Loạt nhóm bệnh nguy hiểm có thể lây bệnh từ nguồn nước bị ô nhiễm
Ngày đăng: 27/11/2023 10:03
Ngày đăng: 27/11/2023 10:03
Nguồn: Tiền Phong
Sức khỏe của người dân đang bị đe dọa bởi nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn và bệnh tật tiềm ẩn từ nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo. Chuyên gia y tế đã chỉ ra nhiều nhóm bệnh nguy hiểm thường gặp có thể bị lây nhiễm từ nguồn nước.
Nhiều bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân từ nguồn nước bị ô nhiễm. Ảnh minh họa |
Chuyên gia khuyến cáo, việc sử dụng nguồn nước bẩn trong thời gian dài sẽ tích tụ vi khuẩn, mầm bệnh nguy hiểm cho con người.
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, các chuyên gia y tế đã chỉ ra 5 nhóm bệnh thường gặp có thể lây nhiễm từ nguồn nước.
Đầu tiên: Nhóm bệnh đường tiêu hóa: Bệnh lỵ trực khuẩn, bệnh lỵ Amip, bệnh thương hàn và bệnh tả.
Thứ 2: Nhóm bệnh nghiễm độc Asen (thạch tín). Loại chất này thường có trong nước thải của nhà máy công nghiệp. Khi nguồn nước bị nhiễm Asen dễ gây nên tổn thương da, có thể dẫn đến ung thư.
Thứ 3: Bệnh bại liệt: Đa phần gặp ở trẻ em, do nhiễm vi rút bệnh bại liệt. Loại vi rút này thải ra từ phân của người bệnh, được khuếch tán trong môi trường nước bẩn. Khi người nào sử dụng nguồn nước ô nhiễm bẩn này thì sẽ bị lây bệnh.
Thứ 4: Bệnh đau mắt hột do vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Vi khuẩn này có trong nguồn nước bị ô nhiễm. Khi người dùng tắm sẽ bị tiếp xúc vào mắt, nhiễm vi trùng vào sẽ gây nên bệnh mắt hột.
Thứ 5: Bệnh sán máng: Loại sán này có trong loại ốc nước ngọt sống trong nước. Khi ra tiếp xúc, vi khuẩn sẽ xâm nhập qua da, gây nên các nhiễm trùng ở gan, phổi, ruột, bàng quang.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân sử dụng nước đã qua xử lý |
Bác sĩ Lâm thông tin thêm, bệnh do lây nhiễm từ nguồn nước khá phổ biển trong bệnh lý thường gặp. Đặc biệt, có 5 nhóm bệnh thường gặp như trên. Quá trình điều trị bệnh kéo dài và khá tốn kém. Nhất là bệnh thương hàn, nếu phát hiện chậm, điều trị muộn, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
“Để có một khẳng định cụ thể, rõ ràng nguyên nhân gây bệnh, thì cần làm xét nghiệm chuyên sâu (xét nghiêm máu, phân…). Tuy nhiên, cách để phòng bệnh hiệu quả, người dân cần nâng cao ý thức về phòng chống bệnh thông qua đường ăn uống, sinh hoạt…Đối với vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi, nâng cao nhận thức”, bác sĩ Lâm nhấn mạnh.
Như Tiền Phong đã phản ánh, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt khá cao. Theo kết quả xét nghiệm mẫu nước giếng đào, giếng khoan của nhiều người dân trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, Krông Năng, Cư M’gar…, cho thấy, nguồn nước này khi chưa qua xử lý có chỉ số E. Coli, chỉ số Nitrat (NO3) vượt quá ngưỡng quy định.
Những khu vực này, đa phần đã được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt đã qua xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân duy trì thói quen dùng nước giếng đào, giếng khoan để sinh hoạt. Điều này này chứa đựng nhiều nguy cơ bệnh cấp tính, mãn tính như bệnh đường ruột, nguy cơ bị ung thư…