Báo động có nguy cơ gây bệnh khi sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm tại Đắk Lắk
Ngày đăng: 20/11/2023 07:29
Ngày đăng: 20/11/2023 07:29
Nguồn: Báo tiền phong
Lấy mẫu thử nghiệm chất lượng nước giếng của các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cơ quan chuyên môn phát hiện phần lớn nguồn nước chưa qua xử lý có chỉ số E. Coli, chỉ số Nitrat (NO3) vượt quá ngưỡng quy định.
Thông tin từ Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, đơn vị phối hợp một số đơn vị chuyên môn lấy mẫu nước giếng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Kết quả, chất lượng nước ngầm trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã có hiện tượng suy giảm, ô nhiễm, nhiều chỉ số về các vi sinh, chất độc vượt ngưỡng quy định, đáng báo động.
Theo kết quả thử nghiệm chất lượng nước giếng đào, giếng khoan của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên và Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 cho thấy, tỷ lệ nước bị nhiễm các vi sinh và chất độc có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người khi sử dụng đang ở mức cao so với Quy chuẩn quốc gia về nước ăn uống sinh hoạt, cụ thể như sau:
Người dân khoan giếng để lấy nước sinh hoạt |
Năm 2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên thực hiện khảo sát 30 mẫu nước giếng hộ gia đình trên địa bàn các phường xã của thành phố Buôn Ma Thuột, kết quả thử nghiệm có các vấn đề như: 30/30 mẫu (tỷ lệ 100%) có chỉ số E. Coli dao động từ 3 ÷ 110/100ml và Coliform dao động từ 5 ÷ 490/100ml. Tỷ lệ này đã vượt quá ngưỡng quy định của “Tiêu chuẩn QCVN01-1:2018/BYT là: E Coli <1/100mml và Coliform < 3/100ml”; 23/30 mẫu (tỷ lệ 76%) có chỉ số Nitrat (NO3) dao động từ 2,27 ÷ 37,95 mg/l vượt quá ngưỡng quy định của “Tiêu chuẩn QCVN01-1:2018/BYT Nitrat (NO3) ≤ 2 mg/l”.
Năm 2022, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 2 thực hiện khảo sát 42 mẫu nước giếng hộ gia đình, cơ quan trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Kết quả thử nghiệm cho thấy các chỉ số: 13/42 mẫu (tỷ lệ 31%) có chỉ số Coliform dao động từ 6 ÷ 2.300/100mml, vượt quá ngưỡng quy định của “Tiêu chuẩn QCVN01-1:2018/BYT, Coliform < 3/100ml”; 26/42 mẫu (tỷ lệ 62%) có chỉ số Nitrat (NO3) dao động từ 2,35 ÷ 59,2 mg/L vượt quá ngưỡng quy định của “Tiêu chuẩn QCVN01-1:2018/BYT Nitrat (NO3) ≤ 2 mg/l”.
Nhiều người dân ở TP Buôn Ma Thuột còn dùng nước giếng khoan |
Ông Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết, chỉ số E. Coli, chỉ số Nitrat (NO3) trong nước sinh hoạt vượt quá ngưỡng quy định sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Cụ thể, nhiễm vi khuẩn E. Coli gây bệnh đường ruột. Còn Nitrat khi đưa vào cơ thể người trong thời gian dài sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao gây nên ung thư, rất nguy hiểm.
Bác sĩ Phúc khuyến cáo, người dân nên sử dụng nước máy đạt hiêu chuẩn quốc gia về nước uống. Nếu sử dụng nước giếng cần được xử lý bằng lắng lọc, chloramineB và cần xét nghiệm mẫu nước định kỳ. Mùa mưa lũ cần sử dụng nước sạch hợp lý theo khuyến cáo và hướng dẫn của ngành y tế. Nước dùng để uống cần phải qua hệ thống lọc khử khuẩn trước khi dùng trực tiếp để tiêu diệt mầm bệnh.