Mặc dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều văn bản về khai thác và quản lý tài nguyên nước nhưng công tác quản lý nguồn nước vẫn còn nhiều hạn chế.
Quy định đã có nhưng công tác quản lý rất lỏng lẻo
Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống con người, góp phần duy trì mọi hoạt động sống cũng như sản xuất. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm quá mức là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ sụt giảm nguồn nước ngầm và nhiều hệ lụy như sụt lún, ngập nước, gây ra nhiều hệ quả về môi trường.
Tại Đắk Lắk, mỗi khi vào cao điểm mùa khô, một số địa phương bước vào giai đoạn thiếu nước sinh hoạt. Để khắc phục tình trạng này, nhiều hộ dân trên địa bạn tỉnh lựa chọn hình thức khoan giếng công nghiệp với độ sâu hàng chục mét, thậm chí hàng trăm mét để lấy nước ngầm sử dụng. Điều đáng nói, ngay tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột tuy nguồn nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất không thiếu nhưng cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Người dân lại đua nhau khoan giếng trái phép để lấy nước sinh hoạt và sản xuất.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 13/01/2016 về việc ban hành Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, bất cứ tổ chức và cá nhân nào muốn đào, khoan giếng mới, đều phải làm đơn gửi cho cấp thẩm quyền xin phép. Trên cơ sở kiểm tra, xét duyệt tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường và các cấp ngành liên quan, chính quyền tỉnh Đắk Lắk mới cho phép có được đào, khoan giếng hay không.
Quyết định này nêu rõ, đối với việc thăm dò, hành nghề khoan nước dưới đất, trước khi xây dựng công trình khai thác nước dưới đất, chủ dự án phải thông báo bằng văn bản về vị trí, quy mô công trình khoan nước dưới đất và thời gian dự kiến thi công cho Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình chậm nhất là bảy ngày làm việc trước khi thi công. Tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất phải đáp ứng đủ các điều kiện về hành nghề khoan nước dưới đất quy định tại Điều 6 Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11/7/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.
Tuy nhiên trên thực tế, việc khoan giếng địa chất để khai thác nguồn nước ngầm trái phép vẫn diễn ra tràn lan. Như tại phường Tân An, khi PV Báo Công lý & Xã hội nhận được phản ánh của người dân về việc một trường hợp đang tiến hành khoan giếng địa chất trái phép, PV đã liên hệ với lãnh đạo UBND phường để thông tin sự việc, ông Hà Song Tùng - cán bộ địa chính phường Tân An cho hay: Trường hợp này chưa thông báo với chính quyền địa phương. “Sáng nay tôi bận tiếp dân nên chưa thể xuống kiểm tra được”, ông Tùng nói và hẹn đến chiều sẽ thông tin lại. Thế nhưng, đến cuối buổi chiều cùng ngày, ông Tùng cho biết, UBND phường đã xuống hiện trường kiểm tra tuy nhiên giàn khoan đã được chuyển đi nơi khác, do đó không thể xác định được sai phạm. Trong khi đó, theo ghi nhận của PV địa điểm này việc khoan giếng đã hoàn thành!
Địa điểm khoan giếng ngay đường lớn nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết
Tương tự là tại xã Cư Êbur, phường Thống Nhất khi PV phản ánh các trường hợp khai thác nguồn nước ngầm trên địa bàn thì lãnh đạo xã, phường không hề hay biết.
Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập
Mặc dù, công tác quản lý tài nguyên nước đã được UBND tỉnh Đắk Lắk quan tâm và ban hành nhiều văn bản, tại Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND nêu rõ, sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép, gia hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực, thu hồi, cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khai thác nước dưới đất đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Qua đó, UBND tỉnh đã cho tiến hành điều tra, đánh giá trữ lượng và chất lượng nước dưới đất tại một số khu vực để làm cơ sở cho các hoạt động cấp phép và bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, theo tìm hiểu được biết trên địa bàn tỉnh hiện nay có rất nhiều cơ sở kinh doanh phòng trọ, doanh nghiệp (nhà hàng, khách sạn), các dự án, trang trại, thậm chí là cơ quan nhà nước không có giấy phép khai thác nguồn nước hoặc giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn ngang nhiên khai thác để sử dụng.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250.000.000 đồng đối với cá nhân và 500.000.000 đồng đối với tổ chức, tước quyền sử dụng Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất từ 01 đến 24 tháng, đồng thời phải khắc phục hậu quả.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thiềm – Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên nước cho hay, cấp phép khai thác đối với hộ gia đình hơi phức tạp, nên đa số đều khai thác không phép; luật chưa rõ ràng, dưới 10m3/ngày chỉ cần đăng ký chứ không cần cấp phép, mà không cấp phép thì không kiểm tra được, chỉ có Công an Môi trường mới được phép kiểm tra, nhưng lại không được xử phạt, thẩm quyền xử phạt là chính quyền địa phương (phạt không quá 500.000 đồng), UBND các cấp và thanh tra sở nhưng phải lập đoàn liên ngành; không có người chuyên trách, đa số là các bộ kiêm nhiệm nên chính quyền địa phương không quan tâm; đối với trường hợp phát hiện được mà không xử phạt là do chính quyền địa phương.
Để khắc phục hạn chế, bất cập nêu trên thiết nghĩ các cấp có thẩm quyền cần chỉ đạo quyết liệt về việc tăng cường quản lý nhà nước ở các cấp, nhất là cấp cơ sở trong lĩnh vực tài nguyên nước. Xử phạt mạnh tay các trường hợp vi phạm, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước phục vụ quá trình phát triển Kinh tế - Xã hội.